Đất sạch hay đất hữu cơ hay giá thể trồng cây hữu cơ là một loại chất trồng có nguồn gốc từ các phế phụ liệu nông nghiệp như mụn xơ dừa, mạt cưa thải sau trồng nấm, thân vỏ cây đậu nành,… qua quá trình ủ bằng các vi sinh vật hữu ích trở thành một loại giá thể trồng cây hữu cơ có các đặc tính ưu việt: tơi xốp, thoáng khí, dễ thấm nước, giữ ẩm cao, không mang mầm bệnh, chứa nhiều vi sinh vật có lợi cho đất, sau 6 tháng sử dụng trở nên “mùn hóa” (tạo thành humus – dạng phân bón hữu cơ có ích cho cây trồng).
Kết cấu hạt của đất sinh học có những hình thù khác nhau, nhưng chúng đều có điểm chung là có tỷ trọng rất nhẹ từ 0,34-0,85; dung trọng còn nhẹ hơn nữa để có thể giữ được nhiều chất dinh dưỡng. Khả năng hút nước của chúng đạt khoảng 60% thể tích nhưng vẫn đủ dưỡng khí cho vi sinh vật đất và cây trồng phát triển, đồng thời giải quyết mâu thuẫn giữa nhiệt độ và chất trồng trong trường hợp trồng cây trong chậu. Nhờ đó “đất sinh học” có thể dùng để nhân giống vô tính, gieo hạt, trồng cây thực sinh hay trồng những loại cây khó trồng, nhất là những loại cây nhập từ vùng ôn đới.
Hình 1. Cải xanh và cải ngọt trồng trên giá thể hữu cơ
Hình 2. Rau muống và bí trồng trên giá thể hữu cơ
Bản thân “đất sinh học” có được hệ vi lỗ rỗng của diatomit, với 80.000-100.000 vi lỗ trên mỗi phân vuông diện tích. Bên cạnh đó, các bọt khí của quá trình lên men và hình thù của các vi sinh vật tạo nên trước khi thiêu kết đã tạo ra những lỗ rỗng liên thông với nhau nhằm giúp cho vi sinh vật dễ tránh được sự cạnh tranh sinh tồn và thiêu đốt của nắng nóng hay úng ngập. Những vi sinh vật này cung cấp đạm được thông qua quá trình chuyển hóa nitơ trong không khí, phân giải lân khó tiêu và xơ bã, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển.
Chính nhờ vào quá trình lên men, thiêu kết mà “đất sinh học” không chứa các loại côn trùng sống trong đất, các loại bệnh hại do vi sinh vật đất và sự cạnh tranh của cỏ dại đối với cây trồng.
Hình 3. Một số loại hoa được trồng trên giá thể hữu cơ
Từ năm 2013 đến nay, Khoa Công nghệ Sinh học trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã chuyển giao cho Công ty TNHH Huy Nguyễn chế phẩm vi sinh phân hủy mạt cưa thải sau trồng nấm, nuôi trùn đất để sản xuất phân hữu cơ.
Bên cạnh đó, Khoa Công nghệ Sinh học trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đã ký hợp tác chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh phân hủy phế phụ liệu nông nghiệp làm phân bón hữu cơ cho Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long bao gồm đào tạo nhân sự, chuyển giao toàn bộ quy trình, tổ chức sản xuất sản chế phẩm vi sinh quy mô 1-2 tấn/tháng, xử lý 50 tấn phế phụ liệu nông nghiệp/tháng và tìm hướng bao tiêu sản phẩm.
Ông Bỉnh Nguyên