Công nghệ sinh học Tảo Spirulina – “siêu thực phẩm dinh dưỡng”

Hiện nay trên thị trường thực phẩm chức năng, sản phẩm tảo spirulina màu xanh đậm dạng viên hoặc dạng bột đã trở nên khá phổ biến đối với nhiều người. Tảo Spirulina được biết đến như là một “siêu thực phẩm” với hàm lượng dinh dưỡng đặc biệt cao vượt trội so với các loại thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày.

Hàm lượng protein trong tảo cao gấp 3 lần thịt bò và vượt xa sữa tươi. Spirulina chứa 20 loại acid amine dễ dung nạp và thiết yếu cho nhiều hoạt động của cơ thể, từ hệ miễn nhiễm tới khả năng tư duy cho tới tiến trình tái tạo tế bào.

Spirulina cung cấp dồi dào thành phần khoáng tố, như canxi, magnê, phốt-pho, kali, sắt, kẽm, selen, crôm, molybdan … trong đó hàm lượng Canxi cao gấp 1,5 lần sữa, hàm lượng β-carotene cao gấp 15 lần cà rốt, hàm lượng sắt cao gấp 25 rau chân vịt.

Spirulina bổ sung các loại vitamin thuộc nhóm kháng ung thư, như sinh tố A với hàm lượng cao hơn trong gan bò, sinh tố E nhiều hơn trong dầu thực vật, tiền sinh tố A với tỷ lệ cao hơn trong rau quả, các sinh tố B1, B2, B6, B12, PP…

Thành phần Spirulina cũng có nhiều chất béo loại có cấu trúc hữu ích, như chất béo 3-Omega, được biết với công dụng giảm cholesterol, mỡ máu và các nguy cơ tim mạch, giúp da đẹp, mắt khỏe.

Nhờ đó, Spirulina được nuôi trồng và khai thác nhiều bởi các nền công nghệ tiên tiến, đặc biệt ở các quốc gia hàng đầu về chăm sóc sức khỏe như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Spirulina là biện pháp sinh học an toàn trong việc phòng chống ung thư, ngăn ngừa sự oxi hóa, lão hóa cơ thể, kích thích hoạt động của hệ miễn nhiễm, ổn định nhiều quy trình biến dưỡng trong cơ thể, chống loãng xương, hỗ trợ hoạt động tạo máu … Quả xứng danh với tên “siêu thực phẩm”.

Các sản phẩm tảo Spirulina

 

Spirulina tên khoa học đầy đủ là Spirulina platensis, một loại vi tảo nước ngọt có nguồn gốc từ các chủng giống tảo xoắn lại ở Cộng hòa Chad (Châu phi) hoặc Mexico. Là loài ưa ánh sáng và nhiệt độ cao, nên tảo xoắn Spirulina cũng phát triển tốt ở các nước nhiệt đới.

Ở Việt Nam, trước đây không nuôi trồng được loại tảo này nên chúng ta thường phụ thuộc và sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia Nhật Bản, Mỹ với giá thành rất đắt. Hiện nay, giống tảo này đã được du nhập vào Việt Nam và có thể được nuôi trồng với các ứng dụng công nghệ sinh học. Nhờ vào việc nuôi trồng được tại chỗ, tảo Spirulina ngoài dạng viên và dạng bột khô còn có thêm dạng mới là tảo tươi, là dạng tốt nhất để hấp thụ hết dưỡng chất có trong tảo. Nhu cầu sản xuất Spirulina để tạo ra các sản phẩm dược và thực phẩm chức năng ở Việt Nam phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu hiện nay còn đang rất khát. Đây là một hướng phát triển công nghệ sinh học tiềm năng và có giá trị kinh tế cao.

Nuôi Spirulina hệ kín sục khí trong phòng thí nghiệm

Khoa Công nghệ Sinh học – trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng nắm bắt xu hướng này. Nhóm nghiên cứu của thầy Huỳnh Văn Hiếu và các bạn sinh viên khóa 2015 – khóa 2016 và đã triển khai nuôi trồng chủng tảo Spirulina, phục vụ nghiên cứu và sản xuất. Các nghiên cứu thuần hóa chủng tảo nước ngọt này sang môi trường nuôi nước biển để giảm chi phí môi trường, tăng khả năng kháng khuẩn cũng đã được thực hiện hiệu quả.

Tảo được nuôi thành công ở quy mô bán công nghiệp trong các bể có thể tích 750 lít. Khoa Công nghệ Sinh học – trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang tiếp tục triển khai mở rộng quy mô nuôi trồng thêm để nâng cao sinh khối thu hoạch.

Nuôi Spirulina quy mô bán công nghiệp ở Khoa Công nghệ Sinh học – trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Không chỉ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho người, Spirulina cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như mỹ phẩm, dược và thức ăn tăng sinh cho thủy sản. Mới đây, đề tài nghiên cứu khoa học “Supper tảo ứng dụng tảo Spirulina vào thức ăn cho tôm” của 2 bạn sinh viên Biện Công Đoàn và Nguyễn Phước Trường tại Khoa Công nghệ Sinh học đã được lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo – NTTU Start Up 2020 do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức, tạo động lực học tập và nghiên cứu của nhóm khoa học trẻ. Đây là cuộc thi nhằm kết nối doanh nghiệp với sinh viên, tạo cơ hội cho các dự án tiềm năng gặp gỡ, tiếp cận các nhà đầu tư, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong học tập. Dự án của sinh viên Khoa Công nghệ sinh học được đánh giá có tính sáng tạo và khả thi cao, có thể triển khai thành công để trở thành Startup. Từ đó cho thấy Công nghệ Sinh học nuôi trồng tảo Spirulina đang là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao.

Sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học tiếp tục vượt qua vòng Bán kết cuộc thi NTTU Start Up 2020

Vũ Thị Huyền Trang

Call Now