GIỚI THIỆU MÔN HỌC
Công nghệ nuôi cấy tế bào động vật nghiên cứu về sinh học tế bào, tế bào gốc, tế bào ung thư, các thao tác tế bào, kỹ nghệ mô, kỹ nghệ di truyền… và các ứng dụng trong y sinh, nông nghiệp học.
Công nghệ nuôi cấy tế bào động vật đã, đang và sẽ đem lại nhiều ứng dụng trong điều trị bệnh (tim mạch, xơ gan, ung thư…), phục hồi hệ cơ xương, tái tạo thầm mỹ, đánh giá dược tính, sàng lọc và thử nghiệm thuốc, và nông nghiệp bảo tồn phát triền giống vật nuôi… với nhiều kết quả khả quan.
MỤC TIÊU MÔN HỌC
Công nghệ nuôi cấy tế bào động vật cung cấp các kiến thức cơ bản về:
- Cấu trúc, chức năng và đặc tính của tế bào động vật.
- Các vấn đề liên quan đến nuôi cấy tế bào động vật (bao gồm tế bào gốc và tế bào ung thư) như kỹ thuật, quy trình, các yếu tố ảnh hưởng đến tế bào trước, trong và sau quá trình phân lập, nuôi cấy, tăng sinh, bảo quản, định danh và phân tách tế bào… trong phòng thí nghiệm.
- Các ứng dụng của công nghệ nuôi cấy tế bào động vật trong chăn nuôi và y học.
KIẾN THỨC LĨNH HỘI
- Sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng thực hành cơ bản trong công nghệ nuôi cấy tế bào động vật.
- Sinh viên hiểu được những kiến thức cơ bản về Công nghệ nuôi cấy tế bào động vật nói chung và liệu pháp tế bào nói riêng, các ứng dụng của công nghệ nuôi cấy tế bào động vật trong nông nghiệp và y học (sản xuất thuốc và vaccine, thử nghiệm độc chất học, y học cấy ghép, tái tạo mô-cơ quan và xây dựng mô hình động vật thực nghiệm…)
- Sinh viên nắm vững các quy tắc an toàn trong phòng thí nghiệm, các kỹ năng thực hành, thao tác nuôi cấy cơ bản trên tế bào động vật, để từ đó tiếp tục tìm hiểu các công nghệ cập nhật hay các lĩnh vực ứng dụng khác của Công nghệ Tế bào.
- Sinh viên thuần thục các thao tác nuôi cấy tế bào động vật cơ bản, gồm:
- Nuôi cấy sơ cấp
- Cấy chuyền và tạo dòng
- Bảo quản tế bào
- Nhận diện tế bào
- Phân tách tế bào
TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM
Học phần lý thuyết được giảng viên cơ hữu trong Khoa Công nghệ Sinh học thiết kế và giảng dạy phù hợp với đối tượng sinh viên năm 4. Ngoài ra, Khoa còn kết hợp với các giảng viên Doanh nghiệp có kinh nghiệm về Công nghệ nuôi cấy tế bào động vật giúp sinh viên cập nhật kiến thức chuyên môn, cung cấp góc nhìn thực tiễn và tạo cảm hứng cho sinh viên.
Bên cạnh đó, với tinh thần “thực học,thực hành”, học phần thực hành tạo điều kiện cho sinh viên thao tác thực tế trong phòng thí nghiệm của Khoa và Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM, có thể kiến tập tại các Doanh nghiệp liên kết đào tạo. Điều này giúp sinh viên nâng cao kỹ năng làm việc và tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường tại các Viện nghiên cứu, các bệnh viện (như Bệnh viện Quân y 7A, Bệnh viện Vạn Hạnh, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. HCM, Mekongstem, Viện Tế bào gốc, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec…)
(a) Thao tác nuôi tách tế bào trong tủ cấy
(b) Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec
Hải Hà