Theo dòng tuần hoàn của tự nhiên, một mùa thu khác lại đến. Vẫn dịu dàng như thế, thu đem đến nơi đây bao quả lành, trái ngọt, kèm theo đó là những đặc sản phải kể đến như: hoa sữa, lá vàng, sấu chín, cốm làng Vòng,… mang đậm hương vị lẫn bản sắc của riêng mình. Độc đáo hơn cả, sinh viên năm 3 khoa Công nghệ Sinh học chúng tôi nghiễm nhiên được thưởng thức một món đặc sản mùa thu đáng nhớ nhất, và chỉ can đảm nếm một lần trong đời, mang tên: Khóa luận tốt nghiệp.
Không phải là một món ăn vặt đầy lý thú hay món tráng miệng ngọt ngào, Khóa luận tốt nghiệp là một món chính kỳ lạ. Nếu ví mỗi đề tài như mỗi hương vị khác nhau thì… có lẽ tôi là người đã trải nghiệm nhiều hương vị nhất trong thời gian ngắn nhất. Ba tháng đề xuất bốn đề tài, là 3 tháng và 4 đề tài…
Đề tài thứ nhất, có vị gì?
Sau một chút xíu vị ngọt nhẹ đánh lừa vị giác ban đầu là cả một hậu vị vừa cay vừa đắng nghét. Nỗi niềm hân hoan khi bắt đầu vào khóa luận dường như tắt ngấm. Ròng rã một tháng trời vật lộn làm đề cương và lặp lại thí nghiệm, kết quả đạt được lại bằng một con số không tròn trĩnh. Một tháng trời, với niềm mong mỏi và hy vọng, để rồi lại thất vọng hoàn toàn khi không đạt được thành quả như mong muốn. Có lẽ tại thời điểm này, lòng tín ngưỡng tâm linh của tôi đã đạt đến mức cao độ. Vì các cụ có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tôi đã dùng lòng thành của bản thân để mong cầu từng ngày từng giờ, nhưng chắc hẳn trong lúc kiểm toán, ông trời đã lỡ quên mất cái phận nhỏ bé này rồi…
Ông bà lại vỗ vai tôi: “Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”. Nỗi niềm ra trường đúng thời hạn trong tôi vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận đề tài thứ hai.
Vị chua lè xộc thẳng lên mũi với lời cảnh báo rủi ro đi kèm khi đề tài mới được giao. Theo kinh nghiệm đúc kết lâu năm từ Thầy Cô và đàn anh đàn chị, thì đề tài thứ hai của tôi “không có tương lai”. Tôi đã dùng tuổi trẻ của mình để chứng minh điều đó hoàn toàn đúng. Đề tài thứ hai, đi vào ngõ cụt khi vừa mới chớm mầm.
Và như thế là, cùng với niềm tin: “Quá tam ba bận” mà cổ nhân truyền lại, tôi đã lướt qua đề tài số ba để đếm đến tư… (Không phải lúc nào các cụ cũng đúng đâu, tin ít thôi các bạn).
Đề tài thứ tư cho đến giờ phút này, cũng là đề tài sau cùng, mang lại hương vị mơ hồ khó tả.
Có lẽ vì tôi chưa thực sự nếm đủ, vẫn chỉ là con cừu nhỏ gặm cỏ non, nên khi chưa có kết quả thì tôi vẫn chưa phỏng đoán được mùi vị. Chỉ biết là lúc bắt đầu, cũng vẫn là vị đắng quen thuộc; điều đó khiến tôi thấm thía câu: “Ngay từ đầu, không con đường nào là có sẵn. Người ta đi mãi mới thành đường thôi”. Đề tài nghiên cứu hoàn toàn mới mẻ với tôi, rất nhiều gian nan lẫn thử thách đang chờ tôi phía trước. Tôi mang theo niềm phấn khích lẫn nỗi âu lo thuở ban đầu khi bước chân vào mùa Khóa luận tốt nghiệp. Tôi nghĩ, tôi đã có kha khá “kinh nghiệm vấp ngã” để làm lại mọi thứ một cách suôn sẻ nhất có thể.
Không phải cứ chăm chỉ là sẽ dễ dàng đi qua mùa Khóa luận tốt nghiệp đâu, mà cần có thêm rất nhiều rất nhiều kiên trì nữa
Sau tất cả, tôi được thử sức mình vào lĩnh vực tưởng quen thuộc nhưng đầy mới lạ này, được Thầy Cô và các anh chị chỉ dẫn nhiệt tình, đúc kết được một vài kinh nghiệm quý báu. Mặc dù phía trước vẫn là chặng đường dài đầy chông gai nhưng những điều tưởng chừng khó khăn ấy, lại là bước đệm cho tôi trưởng thành. Ngay bây giờ đây, tôi cảm thấy biết ơn lẫn hạnh phúc khi đã chọn ngôi trường Nguyễn Tất Thành là ngôi nhà thứ hai của mình.
Tuổi trẻ thì lắm ưu tư, nhắm mắt lại, tôi viễn tưởng về những cánh chim bắt đầu di cư về phương Nam. Thu qua đông sẽ đến, liệu chúng có kịp đến nơi khi mùa đông sắp đến không? Liệu cái lạnh tràn về sớm hơn so với dự định không? Điều duy nhất tôi biết là, chúng vẫn sải đôi cánh của mình, bằng hết sức lực để bay đi, bay đến một nơi tốt hơn ở phía trước.
Tôi cũng vậy. Và tôi tin điều tốt đẹp sẽ đến thôi.
Trần Trung Nguyên – Lớp 17DSH1A