1. Tóm tắt về chương trình đào tạo
- Tên tiếng Việt: CÔNG NGHỆ SINH HỌC
- Tên tiếng Anh: BIOTECHNOLOGY
Ngành: Công nghệ Sinh học
Mã ngành: 7420201 (bậc Đại học)
6420202 (bậc Cao đẳng)
Loại hình đào tạo: Chính quy – hệ tín chỉ
Thời gian đào tạo: 3,5 năm
Khối lượng kiến thức toàn khóa: 141 tín chỉ
Số lượng học kỳ: 10 học kỳ
Tổ hợp môn: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
B00 (Toán, Hóa học, Sinh học)
D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)
D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh)
2. Mô tả ngành học
Công nghệ sinh học là gì ?
Theo định nghĩa phổ biến ở Việt Nam hiện nay, Công nghệ sinh học (CNSH) là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học phục vụ lợi ích của con người, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Ví dụ về cách giảm tỷ lệ mỡ trong cơ thể heo sẽ giúp hình dung định nghĩa này cụ thể hơn. Các chuyên gia CNSH đã nghiên cứu các chủng loại heo đang nuôi và phát hiện ra rằng bộ gene của chúng thiếu mất gene UCP1 – một loại gene phổ biến ở động vật có vú – khiến heo phải tích nhiều mỡ dưới da để chống lạnh. Nhờ kiến thức về gene của các loài động vật, các chuyên gia CNSH đã trích gene UCP1 của chuột, biến đổi nó, rồi cấy ghép an toàn vào tế bào của lợn.
Trên cơ sở các tế bào này, 2.553 phôi lợn nhân bản được tạo ra và được cấy vào 13 cá thể lợn nái. Ba trong số chúng đã mang thai và sinh ra 12 cá thể lợn con. Toàn bộ công việc này (được gọi là kỹ thuật gene) diễn ra theo một quy trình phức tạp, chính xác và thận trọng với sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật. Sau 6 tháng, kết quả phân tích thịt lợn con cho thấy lượng mỡ của chúng ít hơn 24% so với lợn nuôi thông thường.
Dù thế giới còn bất đồng về các hậu quả khó lường của việc sử dụng kỹ thuật gene (đặc biệt gene người), nhưng chỉnh sửa, cấy ghép gene là một phần của CNSH hiện đại, bên cạnh các kỹ thuật trao đổi, sửa chữa, tổ hợp hoặc cải tạo vật chất di truyền ở mức độ phân tử nhằm tạo ra những loại sinh vật mới hoặc bắt các sinh vật này tạo ra các protein hay các sản phẩm khác mà trước đây chúng không tạo ra được.
Thực ra, công nghệ sinh đã học tồn tại từ lâu. Vài ngàn năm trước, nhân loại đã biết cách lên men (tức nuôi vi sinh vật) để sản xuất thực phẩm (ví dụ giấm, chao, nước mắm, làm bánh
…), để ủ phân , phơi ải đất … Sau này, quy mô và chủng loại các sản phẩm được mở rộng với các xí nghiệp bia, bột ngọt, hóa chất, thuốc kháng sinh, các vitamin, thuốc trừ sâu và phân bón sinh học…
Cần học gì, học ra sao để trở thành chuyên gia CNSH ?
Trước tiên phải học các môn cơ bản để có hiểu biết về thế giới thực – động vật, nấm, tảo, vi khuẩn; cấu trúc và hoạt động của tế bào – mô; các quá trình hóa học diễn ra trong cơ thể sinh vật; cơ chế sinh sản – di truyền; cơ chế tự bảo vệ chống bệnh (tức miễn dịch)…Các môn học này trình bày cấu trúc và hoạt động sống của sinh vật đến tận cấp phân tử.
Những kiến thức và kỹ năng thao tác thực hành nói trên mở đường cho các môn khác như nuôi cấy tế bào – mô, nấm, vi khuẩn; công nghệ di truyền (biến đổi gene, chuyển đổi gene);
sinh tổng hợp và biến đổi protein (một loại tế bào đặc biệt, làm nhiều nhiệm vụ quan trọng); công nghệ enzym (các protein tăng tốc phản ứng hóa học trong cơ thể)…
Tùy hướng chọn chuyên ngành sẽ có thêm các môn học khác, ví dụ di truyền và chọn giống, kiểm nghiệm và bảo quản lương thực, thực phẩm, độc chất học, xử lý môi trường, kỹ thuật miễn dịch học … Sinh viên cũng được trang bị thêm các kiến thức về khởi nghiệp, xây dựng, quản trị và điều hành dự án hoặc doanh nghiệp.
Quá trình học chủ yếu dựa trên phương pháp “Đào tạo theo dự án”, các môn học được giảng dạy nhằm giúp người học có kiến thức để tham gia thục hiện một dự án cụ thể do doanh nghiệp đặt ra.
3. Các tố chất cần có của ngành nghề
– Có tư duy logic, linh hoạt và lối tiếp cận khoa học đối với sự việc và hiện tượng
– Đam mê thế giới của sự sống đa dạng trên Trái Đất
– Yêu thích tìm tòi và sáng tạo khoa học để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực hữu ích trong cuộc sống
4. Mô tả công việc sau khi ra trường
Được Nhà nước nhìn nhận là một trong bốn ngành mũi nhọn, cử nhân/kỹ sư tốt nghiệp ngành CNSH cần có mặt ở những lĩnh vực quan trọng nhất đời sống xã hội như y dược (chẩn đoán và chữa trị bệnh, sản xuất thuốc, vắc-xin); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải…); nông – lâm – ngư – nghiệp (giống, bệnh, chất lượng); công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học)…
Các cử nhân/kỹ sư CNSH sử dụng các hiểu biết và kỹ năng có được của mình trong các lĩnh vực chuyên môn chính hiện nay, bao gồm các kỹ thuật truyền thống và cận đại (chủ yếu là nuôi cấy vi sinh, lên men) và các kỹ thuật hiện đại như công nghệ tế bào, di truyền, vi sinh /lên men, công nghệ enzyme, protein, công nghệ sinh học môi trường, công nghệ sinh học Nano … để nghiên cứu, xây dựng dự án, quản lý điều hành hoặc trực tiếp tham gia quy trình sản xuất sản phẩm CNSH ở trong và ngoài nước.
5. Vị trí việc làm
Cử nhân/kỹ sư ngành CNSH có thể đảm đương nhiều vị trí tại những nơi cần kiến thức và kỹ năng chuyên ngành của họ nhằm thực hiện các yêu cầu của người tuyển dụng. Thường gặp nhất là các chức danh:
– Nhân viên chuyên viên kỹ thuật/xét nghiệm tại phòng thí nghiệm ở các trung tâm nghiên
cứu, cơ sở y tế – giáo dục, cơ sở sản xuất
– Nhân viên kỹ thuật/quản lý sản xuất, kiểm tra chất lượng
– Nhân viên kinh doanh tiếp thị
– Chuyên viên xây dựng dự án khoa học và kinh doanh
– Giảng viên, giáo viên
– Các chức danh quản lý chuyên môn khác
– Doanh nhân
6. Mức lương
Dưới đây là vài thông tin trên thị trường lao động ngành trong Q1/2020 CNSH để có hình dung ban đầu.
Các trang web tuyển dụng như mywork.com và careerbuilder.vn cho biết các doanh nghiệp tư nhân ngành công nghệ sinh học, dược, xử lý chất thải đề nghị mức lương từ 5 đến 8 triệu VND/tháng cho các cử nhân trong ngành có kinh nghiệm khoảng 1 năm làm việc tại các vị tri nhân viên kiểm nghiệm.
Mức 10-15 triệu VND dành cho nhân viên nghiên cứu có kinh nghiệm làm việc tại phòng thí nghiệm hiện đại ít nhất 01 năm và năng lực tiếng Anh tốt.
Thu nhập sẽ tăng lên theo thời gian công tác, và năng lực cống hiến của người lao động.
7. Một số hình ảnh hoạt động của Khoa Công nghệ Sinh học NTTU
Sinh viên thực hành Công nghệ thủy canh tại hệ thống nhà màng của Khoa CNSH
Học sinh PTTH tham qua hệ thống nhà màng của Khoa CNSH
Sinh viên thực hành Kỹ thuật Nuôi cấy mô tại Phòng TN của Khoa CNSH
Sinh viên tham gia Ngày hội tuyển dụng do Khoa CNSH tổ chức
Hoạt động hợp tác của Khoa CNSH với doanh nghiệp Nhật Bản về lĩnh vực Nông nghiệp thông minh
Hoàng Dũng