Công nghệ sinh học trong thú y

GIỚI THIỆU MÔN HỌC

Theo khảo sát năm 2019 của một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam cho thấy:

  • 63% người Việt Nam có thời gian sống với chó cưng hơn 3 năm.
  • 40% người Việt Nam thường trang bị quần áo để mặc cho những chú chó cưng.
  • 100,000 – 300,000 VNĐ/tháng là khoảng chi phí thông thường dành cho thức ăn cho chó cưng

Như vậy, khi đời sống vật chất của con người ngày càng cao thì gắn liền với những nhu cầu giải trí cũng được nâng lên. Với truyền thống thuần phục và thói quen nuôi thú cưng trong nhà có từ xa xưa, ngày nay người dân Việt Nam chuyển hóa thành thú tiêu khiển tao nhã, giảm stress và giải tỏa lo âu. Những chú chó, mèo không đơn thuần chỉ là những động vật, mà còn trở thành một thành viên thân thiết trong gia đình, được chăm sóc hết sức chu đáo và cưng chiều. Ngoài ra, thú cưng còn thể hiện đẳng cấp, tính cách, phong cách sống của người chủ sở hữu. Vì vậy, những người chủ rất quan tâm đến việc chăm sóc cho những chú thú cưng của mình. Người chủ không ngần ngại chi trả những số tiền không nhỏ để tìm người hay thuê dịch vụ “chăm sóc kỹ lưỡng cho thú cưng”.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn – an ninh lương thực Quốc gia theo Nghị quyết số 63/NQ-CP (năm 2019), việc chăm sóc, điều trị và quản lý sức khoẻ các loại gia súc, gia cầm trên thị trường Việt Nam cần đảm bảo theo hướng sản xuất sạch hơn, nâng cao sức khỏe vật nuôi và đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho con người.

Từ thực tế nêu trên, Công nghệ sinh học trong thú y là môn học được Khoa CNSH đưa vào chương trình giảng dạy cho các bạn sinh viên.

MỤC TIÊU MÔN HỌC

Công nghệ sinh học trong thú y cung cấp các kiến thức cơ bản về:

  • Chẩn đoán một số bệnh thông thường phổ biến trên động vật nuôi
  • Vai trò và cơ chế của một số dược phẩm, hóa chất, vaccine phòng trị bệnh trong chăn nuôi;
  • Luật thú y, thị trường thuốc thú y, thị trường chăn nuôi;
  • Kiến thức về tiếp thị, giao tiếp; và kiến thức về một số ngành liên quan gần như chăn nuôi gia súc, chăn nuôi thú cảnh, nuôi thủy sản, trồng trọt…

KIẾN THỨC LĨNH HỘI

  1. Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về bệnh học thú y, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chuẩn đoán và phòng trị một số căn bệnh phổ biến trên các loài động vật (động vật hoang dã, động vật cảnh, động vật nông nghiệp…), qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người. Điều này khẳng định, Công nghệ sinh học trong thú y là môn học quan trọng trước yêu cầu phát triển nông nghiệp an toàn và sở thích nuôi thú cảnh đang ngày càng phổ biến.
  2. Sinh viên có kỹ năng thao tác phòng thí nghiệm và các kiến thức về luật pháp, thi trường, thuốc men,… có liên quan đến chăn nuôi.
  3. Không những vậy, sinh viên còn được rèn luyện phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống và tư duy phân tích, kỹ năng trình bày, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Một nền tảng kiến thức tốt là điều không thể thiếu để có được việc làm tốt là điều vô cùng dễ dàng.

TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM

  • Học phần lý thuyết được thiết kế với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên cơ hữu và các giảng viên doanh nghiệp dày kinh nghiệm về Công nghệ HTSS nhằm cập nhật kiến thức mới, tạo sự hứng thú và truyền lửa cho sinh viên, đảm bảo sinh viên thừa hưởng được lượng kiến thức từ cơ bản đến thực tiễn ứng dụng.
  • Bên cạnh đó, với tinh thần “thực học,thực hành”, học phần thực hành tạo điều kiện cho sinh viên có thể kiến tập tại các Doanh nghiệp liên kết đào tạo. Điều này giúp sinh viên nâng cao kỹ năng làm việc và tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường tại cơ quan thú y hay các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, hoặc kinh doanh thuốc thú y, công tác tại khu bảo tồn động vật hoang dã hay thảo cầm viên, cơ quan nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật thú y, cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, các cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái
  • Ngoài ra, môn học còn cung cấp kiến thức nền tảng cho việc học nâng cao và có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các Trường, Viện chuyên ngành.

Hải Hà

Call Now