Trong các đợt tuyển sinh hằng năm của khoa Công nghệ Sinh học trường Đại học Nguyễn Tất Thành, các bạn thường thấy những quà tặng là sản phẩm của Khoa và các bạn sinh viên khoa. Đặc biệt một sản phẩm mà hầu hết các bạn học sinh đều rất yêu thích đó là các cây được trồng trong các lọ thủy tinh với đủ các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… rất lạ và đẹp mắt. Chắc hẳn các bạn đã từng suy nghĩ làm sao mà cây có thể sống trong chai như vậy? Những màu sắc đó là gì? những sản phẩm đó được làm như thế nào?
Bài viết này, là những chia sẻ vắn tắt và đơn giản về cách làm chai nuôi cấy mô quà tặng của các bạn sinh viên làm việc tại Phòng Nuôi cấy mô Thực vật, Khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Giai đoạn 1: Chuẩn bị môi trường nuôi cây
Môi trường nuôi cấy tạo chai nuôi cấy mô quà tặng ngoài các thành phần cơ bản như: muối khoáng đa lượng và vi lượng; vitamin; đường; chất điều hoà sinh trưởng; chất hữu cơ bổ sung và agar còn được bổ sung thêm màu thực phẩm để tạo nên các màu sắc đẹp mắt*. Các em có thể tự phối màu theo sở thích nhưng lưu ý màu của môi trường sẽ nhạt đi sau khi chúng ta hấp khử trùng (nhiệt độ 121°C, áp xuất 1atm) nhé.
* Màu sắc được phối theo bảng màu thông thường và với lượng vừa phải để cây trồng có thể an toàn và không bị ảnh hưởng.
Các chai môi trường nuôi cấy thành phẩm
Giai đoạn 2: Chọn mẫu nuôi cấy
Chai nuôi cấy mô trang trí thường được sử dụng làm quà tặng và được đặt trong điều kiện ánh sáng và nhiệt độ tự nhiên. Do đo, các em nên chọn những mẫu thực vật có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường; thân phải to khỏe; lá xanh đậm. Các em có thể sử dụng các loài lan Mokara hoặc Dendrobium in vitro chịu nhiệt vì các loài lan này phát triển tốt trong ống nghiệm và khả năng thích nghi tốt khi đặt chai nuôi cấy mô bên ngoài tự nhiên.
Nuôi cấy tạo chồi lan Mokara
Giai đoạn 3: Cấy mẫu vào chai môi trường
Các mẫu nuôi cấy mô hoàn toàn sạch vi sinh vật sẽ được chọn để cấy vào các môi trường nuôi cấy đã được chuẩn bị như trên. Các em nên chọn những mẫu có lá, thân và rễ phát triển hoàn chỉnh, to khỏe có kích thước phù hợp với thể tích chai môi trường để làm mẫu cây. Như vậy, chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian nuôi cây và tạo được sản phẩm đẹp mắt hơn.
Giai đoạn 4: Nuôi cây sau khi cấy
Mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn này là giúp mẫu thực vật thích nghi và bắm chặt vào môi trường nuôi cấy. Chai nuôi cấy mô sau khi cấy được chuyển vào nuôi trong phòng nuôi sáng với thời gian chiếu sáng 16 giờ/ngày, cường độ ánh sáng tối thiểu 1.000 lux nhiệt độ phòng nuôi 26±2°C. Giai đoạn này thông thường cần 15 – 20 ngày.
Giai đoạn 5: Trang trí chai sau giai đoạn nuôi trong phòng sáng
Đây là giai đoạn khá quan trong và tùy thuộc vào sở thích và sự sáng tạo của các em. Chúng ta có thể trang trí bằng: nơ; ruy băng; giấy màu; sơn …. Nhưng lưu ý là không được mở nắp chai em nhé.
Lan nuôi cấy mô thành phẩm
Chúc các em thành công với những chai nuôi cấy mô vô cùng đẹp mắt!
Đỗ Tiến Vinh