Nên hay không nên học vượt?

Có nên học vượt để kết thúc chương trình học sớm?” hay “Nên học theo đúng chương trình đào tạo cho chắc?” và “Có cách nào học vượt mà vẫn chắc?” là một vài trong rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo bước vào giảng đường đại học. Bài viết này sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm về vấn đề “học vượt” từ một số cựu sinh viên của khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

         1. Nên hay không nên học vượt?

Đầu tiên chúng ta phải xác định mục tiêu để chúng ta học vượt là gì? Nếu bạn muốn học vượt để rút ngắn thời gian đào tạo, nhanh chóng đi làm hoặc tiếp tục học chuyên sâu hơn thông qua học lên cao học hoặc xin học bổng du học thì học vượt là một lựa chọn tốt (tất nhiên trong trường hợp bạn đủ sức).

Nếu bạn học vượt chỉ vì bằng bạn bằng bè, để cho có tiếng thì bạn nên cân nhắc lại việc này. Hoặc bạn cho rằng học vượt, ra trường sớm một năm có nghĩa là tiết kiệm được tiền học phí một năm thì có lẽ bạn cũng phải cân nhắc lại, học vượt có nghĩa là học tất cả các môn trong chương trình đào tạo sớm hơn kế hoạch đào tạo, chứ không có nghĩa là có thể bỏ bớt một hay nửa năm học phí và công sức.

         2. Nên học vượt thế nào?

Học kỳ đầu tiên của năm nhất sẽ là “học kỳ khảo sát”, ở đó bạn biết được khả năng học của mình như thế nào, liệu có phù hợp để bắt đầu học vượt không. Sau khi xác định bản thân có thể, tiếp tục khảo sát đến chương trình đào tạo, các môn cơ bản của Trường và các môn cơ sở ngành cũng như chuyên ngành của Khoa để xếp lịch học các học kỳ sau cho phù hợp nhất. Kinh nghiệm chính là ưu tiên môn chuyên ngành và môn cơ sở ngành của Khoa trước, trong đó ưu tiên các môn sẽ phải học vào năm cuối hơn các môn của năm hai năm ba. Các môn cơ bản được giảng dạy ở nhiều Khoa khác nhau, nên các môn này được xếp sau cùng vào lịch học.

Học kỳ hai sẽ là “ học kỳ thử nghiệm”, ở học kỳ này, chúng ta sẽ bắt đầu đăng ký học từ một đến hai môn cơ bản ở Khoa khác, hoặc môn cơ sở ngành ở Khoa, kết quả cuối kỳ sẽ là câu trả lời tốt nhất cho vấn đề có nên tiếp tục học vượt hay không. Khi bạn học nhiều hơn một hai môn so với chương trình gốc của bạn mà vẫn có thể đạt kết quả tốt thì có nghĩa bạn có thể tiếp tục. Nếu kết quả cả môn học vượt lẫn môn học theo kế hoạch đều không tốt thì có thể lý giải bằng 2 khả năng: một là chúng ta thực sự không đủ khả năng để học vượt, hai là phương pháp học tập của chúng ta chưa thật sự đúng và tốt, và dĩ nhiên cần phải xem xét và điều chỉnh cả 2 khả năng này; cân nhắc lại việc học vượt hoặc tìm một phương pháp học tập tốt hơn để đảm bảo chất lượng học tập.

Các học kỳ sau sẽ là các học kỳ mà chúng ta cố hết sức vừa học tốt các môn theo đúng chương trình đào tạo, và môn mình đăng ký học vượt. Bí kíp thì vô cùng đơn giản, chính là nghỉ ngơi ăn uống điều độ, giữ sức khỏe tốt bên cạnh việc cố gắng hoàn thành việc học tập. Đây là giai đoạn phải tự dựa vào bản thân mình.

Theo chia sẻ từ bạn Lê Thị Thanh Nga – sinh viên lớp 16DSH1A – đã hoàn thành xuất sắc toàn bộ chương trình đào tạo trong 3 năm với điểm tích lũy 3,61 (thang điểm 4); từ học kỳ 2 bạn đã bắt đầu học vượt các môn cơ sở như Pháp luật đại cương (nằm trong chương trình của học kỳ 9), Tư tưởng Hồ Chí Minh (nằm trong chương trình học kỳ 3), … Sau khi có kết quả học tập khả quan ở mức điểm từ 7.0 đến 9.0, bạn hoàn toàn xác định mình có đủ khả năng học vượt và tiếp tục đăng ký thêm các môn cơ sở ngành như Hóa sinh, Hóa phân tích, … ở học kỳ tiếp theo.

Một lưu ý nhỏ chính là có đôi khi sẽ có một hai môn bị trùng nhau, nếu là dạng trùng đầu cuối (nghĩa là buổi đầu môn này trùng với buổi cuối môn kia) thì các bạn có thể đến văn phòng Khoa làm đơn xin học trùng lịch (theo quy định thì các bạn được nghỉ 20% số tiết của một môn để không bị cấm thi) sau đó chấp nhận hy sinh buổi đầu của môn bị trùng, tất nhiên đừng quên hỏi lại bạn bè kiến thức nhập môn của buổi đầu tiên nhé. Trường hợp hai, nếu là trùng hoàn toàn (thời gian học hai môn toàn toàn trùng nhau, hoặc trùng từ hai buổi trở lên) thì bạn nên suy nghĩ và ưu tiên cho môn ít được mở lớp đăng ký hơn, tất nhiên là phải đảm bảo được chuyện bạn đã học môn cơ sở (nếu cần) trước đó rồi nhé.

          3. Học vượt có khó không?

Câu trả lời là không, học vượt không khó nhưng nó yêu cầu một quá trình cố gắng bền bỉ không ngừng. Có thể chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp lịch học, hay việc bị trùng lịch học, nhưng đừng lo, riêng tại Khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, các giảng viên sẽ giúp đỡ sinh viên hết mình và tạo điều kiện tốt nhất khi học tập, bạn luôn có giáo vụ Khoa và cố vấn học tập tư vấn, hỗ trợ, chỉ cần bạn kịp thời phản hồi sớm các khó khăn, đừng để quá trễ đến mức bế tắc là được.

Vậy các bạn có muốn tự thử thách bản thân mình với việc học vượt không?

Call Now