Chiều ngày 26/11/2020, khoa Công nghệ Sinh học của trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức thành công Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản và chế biến hải sản” với sự tham gia của 2 đại diện đến từ Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng (RIMF).
Hội thảo có sự tham gia đông đảo của giảng viên, sinh viên khoa Công nghệ Sinh học
Hội thảo vinh dự có sự tham gia của PGS. TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành, khách mời TS. Nguyễn Văn Nguyên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, PGS. TS. Trần Hoàng Dũng – Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, cùng sự có mặt đông đảo của giảng viên, sinh viên khoa Công nghệ Sinh học.
PGS. TS. Trần Thị Hồng tặng hoa cảm ơn TS. Nguyễn Văn Nguyên đã tham dự Hội thảo
Trình bày trong hội thảo, TS. Nguyễn Văn Nguyên đã chia sẻ rất nhiều các dự án đã và đang được Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai. Tất cả các dự án, đề tài nghiên cứu này đều mang tính ứng dụng cao, trong đó một số dự án đã chính thức được thương mại hóa cũng như áp dụng vào thực tế sản xuất rất thành công.
Liên quan đến hải sản, khoa học – công nghệ được ứng dụng vào cả 4 lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, bảo quản và chế biến, giúp giảm chi phí đầu tư, đồng thời tăng về năng suất, chất lượng công việc. Cụ thể, trong công nghệ khai thác, Viện đã áp dụng các công nghệ mới trong khai thác cá ngừ đại dương, sử dụng tời thủy lực cùng với các kiểu lưới khác nhau, sử dụng công nghệ đèn LED cho nghề chụp mực.
Đối với công nghệ bảo quản, công nghệ nano UFB (Ultra fine bubble) được kết hợp với bảo quản bằng đá sệt đã giúp cho việc bảo quản cá tươi trở nên dễ dàng hơn, giữ đầy đủ chất dinh dưỡng của hải sản trong thời gian dài. Trong công nghệ chế biến, rất nhiều các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm từ hải sản cũng như phế phẩm từ hải sản như vỏ tôm, vỏ hàu đã được nghiên cứu sản xuất để cho ra các sản phẩm cung cấp dinh dưỡng cho người và động vật với giá cả phải chăng.
Tương tự với lĩnh vực nuôi trồng, nhiều công nghệ cũng được áp dụng cho nuôi trồng một số hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, bào ngư để tăng năng suất, chất lượng hải sản. Đặc biệt, ứng dụng Công nghệ sinh học trong sản xuất vi tảo biển đã được Viện thực hiện và thu được thành quả đáng mong đợi.
TS. Nguyễn Văn Nguyên đã chia sẻ rất nhiều các dự án đã và đang được Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai
Về phía khoa Công nghệ Sinh học, giảng viên – ThS. Huỳnh Văn Hiếu cũng trình bày về dự án mà nhóm sinh viên của Khoa đã và đang nghiên cứu thực hiện “Sản xuất vi tảo Spirulina bổ sung vào thức ăn nuôi tôm”. Hiện dự án đang trong quá trình thử nghiệm tại một số vùng nuôi tôm thuộc tỉnh Bến Tre. TS. Nguyễn Văn Nguyên đã bày tỏ sự đánh giá cao các nghiên cứu của khoa Công nghệ Sinh học, đặc biệt là dự án nuôi trồng tảo trên hệ thống màng kép do nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Trần Hoàng Dũng thực hiện.
ThS. Huỳnh Văn Hiếu cũng trình bày về dự án sản xuất vi tảo mà nhóm sinh viên của Khoa đã và đang nghiên cứu thực hiện
Do đó, đại diện cả 2 bên khoa Công nghệ Sinh học và Viện Nghiên cứu Hải sản đều đều tỏ ra hào hứng với việc hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa 2 bên, cùng giúp đỡ nhau để các dự án nghiên cứu đều tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thể thương mại hóa được, đặc biệt là dự án sản xuất vi tảo và dự án đánh giá đa dạng sinh học hệ sinh thái biển nước ta.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Nguyên cũng rất hoan nghênh và đưa ra lời mời các bạn sinh viên năng động của khoa Công nghệ Sinh học NTTU – nguồn nhân lực chính cho nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học trong tương lai, đến thực tập và làm việc tại Viện Nghiên cứu Hải sản.
PGS. TS. Trần Hoàng Dũng rất hoan nghênh việc hợp tác giữa 2 đơn vị cả trong nghiên cứu và đào tạo
Khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Nguyễn Tất Thành luôn quan tâm đến việc tăng cường hợp tác về nhiều mặt với các đơn vị bên ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa, đồng thời giúp mở rộng mối quan hệ, tạo điều kiện cho sinh viên của Khoa tiếp cận với các Doanh nghiệp nhiều hơn, dễ dàng tìm được việc làm sau khi ra Trường.
Hồ Thị Cẩm Nguyên