Ung thư là bệnh phổ biến trên toàn thế giới và được coi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ung thư trở thành gánh nặng kinh tế trên toàn cầu với tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng ngày càng tăng, dự kiến sẽ tăng 70% trong vòng 20 năm tới. Tại Việt Nam năm 2021, có 182.563 ca mắc bệnh ung thư mới trong đó có 122.690 ca tử vong. Liệu pháp điều trị ung thư hiện nay bao gồm phẫu thuât, hóa trị liệu, nhắm mục tiêu phân tử, y học cổ truyền. Việc sử dụng hóa trị có liên quan đến tái phát ung thư, xuất hiện kháng thuốc và sự phát triển của các tác dụng phụ nghiêm trọng chẳng hạn như tổn thương chức năng gan, ức chế tủy xương và gây độc tính thần kinh, là những trở ngại lớn gây ra thất bại điều trị. Nhu cầu cấp thiết là phải tìm ra các loại thuốc mới có hiệu quả với ít tác dụng phụ hơn cho các loại ung thư khác nhau.
Từ nhiều năm nay, thực vật được coi là nguồn thuốc thiết yếu để chữa bệnh cho nên hiện nay các hợp chất có hoạt tính sinh học từ thực vật rất được quan tâm. Trong đó có cây bằng lăng nước Lagerstroemia speciose với tên thường gọi là bằng lăng xẻ, bằng lăng tím được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó đã được ứng dụng trong y học cổ truyền để chữa bệnh từ nhiều thập kỉ qua như lá nấu thành nước uống như trà để chữa bệnh tiểu đường, đau bao tử, giảm nguy cơ béo phì; Thuốc đắp của lá chữa bệnh sốt rét, nhức đầu và nứt gót chân; Nước sắc của vỏ điều trị sốt, loét dạ dày, rối loạn đường tiêu hóa, đau bụng, tiểu ra máu và trầm cảm; Trái đắp trị lở miệng; Rễ giúp giảm sốt; Hạt có chứa chất gây ngủ.
Trên thế giới cũng đã có các công trình nghiên cứu chứng minh hoạt tính sinh học của cây bằng lăng như chống tiểu đường, chống béo phì, chống tăng lipid máu, kháng virus, kháng viêm, kháng ung thư. Tại Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu về đặc điểm sinh thái thực vật, thành phần hợp chất hóa thực vật và đánh giá khả năng hạ đường huyết. Tuy nhiên, về giá trị làm thuốc chữa bệnh, ứng dụng liên quan đến sức khỏe và các nghiên cứu sâu hơn vẫn còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài tách chiết và đánh giá hoạt tính kháng ung thư của cây bằng lăng nước Lagerstroemia speciose.
Một số kết quả nghiên cứu đạt được như sau:
- Thu nhận được cao tổng ethanol cành, lá, vỏ bằng lăng lần lượt là (19,16 ± 0,24 g), (19,28 ± 0,32 g) và (16,47 ± 0,34 g).
- Hàm lượng polyphenol của cao cành bằng lăng là (75,90 ± 0,78 mg GAE/g cao) cao gấp 2,1 lần so với cao lá.
- Cao tổng ethanol và cao phân đoạn đều có khả năng ức chế tăng sinh dòng tế bào ung thư. Đối với dòng tế bào ung thư gan Hep-G2, các cao phân đoạn có khả năng gây độc tế bào ung thư gần như tương đương nhau. Riêng với tế bào ung thư phổi A549, cao phân đoạn chloroform có khả năng gây độc tế bào ung thư tốt nhất với IC50 là 60,71 µg/ mL.