TS Đỗ Hoàng Đăng Khoa báo cáo đề tài về “Metagenomics: Ứng dụng khám phá hệ vi sinh trong các môi trường khác nhau”

Với sự phát triển của công nghệ giải trình tự thế hệ mới, các nghiên cứu về hệ gen của các loài sinh vật khác nhau trên Trái Đất đã được thực hiện và cung cấp nhiều thông tin hữu ích về nhiều khía cạnh như tiến hóa, phát triển chỉ thị phân tử, phát hiện và truy vết dịch bệnh,v.v…Một trong các ứng dụng dựa trên nền tảng giải trình tự thế hệ mới là Metagenomics, một lĩnh vực nghiên cứu đa dạng vi sinh vật trong môi trường [1]. Các nghiên cứu metagenomics đã cung cấp các thông tin thành phần vi sinh khác nhau trên các bộ phận khác nhau của con người như da, khoang miệng, răng, đường ruột, v.v…[2]. Các nghiên cứu về thành phần vi sinh đã cung cấp các thông tin thiết yếu cho các nghiên cứu về các bệnh liên quan đến hệ vi sinh trên cơ thể con người [3]. Tại Viện kỹ thuật công nghệ cao NTT, nhóm nghiên cứu Khoa học sự sống đã hợp tác với nhóm nghiên cứu tại Đại học Airlangga (Indonesia) nghiên cứu về chủ đề mối tương quan giữa hệ vi sinh trong đất và thành phần vô cơ và hữu cơ ở vùng ven biển. Đối tượng nghiên cứu là hai loài cây mọc phổ biển ở khu vực đất cát ven biển và có khả năng chịu mặn là cây Bòng bòng (Calotropis gigantea (L.) W.T.Aiton) và cây Cỏ chông (Spinifex littoreus (Burm.f.) Merr.). Các kết quả nghiên cứu cho thấy có mối tương quan nhất định giữa hệ vi sinh và thành phần hữu cơ và vô cơ trong đất ở khu vực ven biển. Các kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Biology năm 2022 với tiêu đề “Soil Mineral Composition and Salinity Are the Main Factors Regulating the Bacterial Community Associated with the Roots of Coastal Sand Dune Halophytes” [4]. Các nghiên cứu metagenomics cho thấy mối tương quan giữa hệ vi sinh và môi trường sống và mở ra tiềm năng ứng dụng sử dụng vi sinh vật để cải tạo các môi trường khác nhau.

 

Tài liệu tham khảo:

  • [1] https://doi.org/10.3389/fgene.2015.00348
  • [2] https://www.cibio.unitn.it/147/laboratory-of-computational-metagenomics
  • [3] https://doi.org/10.4161/viru.27864
  • [4] https://doi.org/10.3390/biology11050695

Call Now